Asilla là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện hành vi thông qua dự đoán tư thế và nhận dạng ký tự quang học (OCR). Công ty có cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội, Việt Nam. Với công nghệ nhận dạng hành vi đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, Asilla từng hợp tác với nhiều công ty lớn ở trong và ngoài Nhật Bản và thiết bị biên (edge device) sử dụng công nghệ của công ty được tung ra thị trường vào năm 2020. Trong bối cảnh Asilla đang xem xét tới việc niêm yết trên thị trường chứng khoán và mở rộng ra các nước phương Tây, chúng tôi đã phỏng vấn CEO của công ty, ông Kimura, về chiến lược đăng ký bản quyền cũng như tương lai mà công nghệ nhận dạng hành vi mang lại.
CEO của Asilla, Inc., ông Kimura Daisuke, sinh năm 1976 tại tỉnh Nagano. Sau khi làm công việc nghiên cứu phát triển tại Tập đoàn viễn thông NTT, ông chuyển sang công tác tại công ty Gurunavi từ năm 2011. Tại đây, ông là trưởng nhóm phát triển sản phẩm và phụ trách đào tạo nhóm nghiên cứu ở Việt Nam. Vào tháng 6 năm 2015, ông chính thức thành lập công ty Asilla, Asilla Việt Nam tại Hà Nội.
Asilla phát triển công nghệ AI phục vụ việc theo dõi giám sát, cũng như cung cấp dịch vụ, giấy phép và thuật toán trong lĩnh vực này để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực đang được coi là vấn đề xã hội tại Nhật Bản.
Ngoài việc cung cấp giải pháp AI dựa trên yêu cầu của các công ty lớn, Asilla cũng phát triển và cung cấp AI nhận dạng hành vi có tên “Anolla” và AI-OCR “Jijila”.
AI nhận dạng hành vi Anolla có khả năng đọc chuyển động của khớp trên cơ thể người. Dữ liệu hình ảnh chỉ xử lý chuyển động của khớp nên công nghệ này không ảnh hưởng tới quyền riêng tư mà vẫn có thể phát hiện những điểm bất thường và thông báo qua cloud, giúp người dùng theo dõi và giám sát. Thêm vào đó, thông qua việc phân tích dữ liệu theo thời gian về dự đoán tư thế trên cloud, Asilla có thể thêm “code hành vi”, một công nghệ của công ty đã được đăng ký bản quyền. Công nghệ này sử dụng AI để định nghĩa xem hành vi nào đang diễn ra. Đối với các hành vi kéo dài, công nghệ có thể đánh giá xem hành vi nào có hiệu quả tuỳ theo tình huống. Với thành quả nghiên cứu phát triển và công nghệ AI tân tiến như vậy, Anolla được sử dụng trong điện toán biên (edge computing) và được tung ra thị trường. Điện toán biên ít có nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân, trong khi cloud có thể cắt giảm chi phí để hiện thực hoá một dịch vụ AI chất lượng cao mà giá thành thấp. Trong năm nay, Asilla hợp tác với các công ty lớn để công bố thiết bị cỡ nhỏ có sử dụng Anolla.
Trong khi đó, AI-OCR Jijilla được phát triển và mở bán với sự hợp tác của các công ty lớn. Công nghệ này được đánh giá cao về khả năng đọc chính xác hơn 95%, tính tiện lợi khi lắp đặt và tính linh hoạt.
Để tăng hiệu suất lợi nhuận, Asilla có 3 cơ sở với các chức năng khác nhau. Cơ sở kinh doanh đặt tại Otemachi ở Tokyo, cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Hà Nội – Việt Nam, còn cơ sở hỗ trợ đặt tại trụ sở công ty ở Machida. Nhờ vậy, chi phí hoạt động của công ty chỉ bằng chưa đầy 40% so với các công ty khởi nghiệp thông thường trong lĩnh vực AI. Nhờ việc đặt cơ sở nghiên cứu tại Hà Nội, công ty có nhiều mối liên kết ở Việt Nam. Do nhu cầu về AI gia tăng mạnh mẽ tại ASEAN, trong năm ngoái công ty đã nhận đơn hàng từ 5 công ty lớn trong khu vực, trong đó có công ty viễn thông hàng đầu Việt Nam, Viettel.
Ông Kimura cho biết: “Tại Việt Nam, quan ngại về quyền riêng tư tương đối thấp nên máy quay an ninh được lắp đặt ngày càng nhiều. Tuy nhiên, dù có lắp máy quay thì người kiểm tra hình ảnh vẫn còn ít, nên họ có nhu cầu sử dụng AI để nhận được thông báo ngay khi có vấn đề xảy ra”.
Ngoài mục đích chống trộm, ở Việt Nam cũng có nhu cầu theo dõi hành vi của nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ, một nhu cầu khác với thị trường Nhật Bản. Cơ sở ở Việt Nam tập trung vào nghiên cứu và phát triển nên chủ yếu chỉ có kỹ sư làm việc tại đây, nhưng Asilla mong muốn thu nạp thêm nhân lực về kinh doanh và pháp lý để phát triển hoạt động ở cả Việt Nam.
Asilla hiện có 4 bằng độc quyền sáng chế liên quan tới nhận diện hành vi và đang nộp đơn đăng ký bằng thứ 5. Công ty chú trọng tài sản trí tuệ là do lời khuyên của đối tác thuộc một công ty lớn, người đầu tiên hợp tác với Asilla trong công nghệ nhận diện hành vi.
Ông Kimura cho biết: “Người đó đã nói với chúng tôi rằng đây là công nghệ tốt nên cần đăng ký bằng sáng chế. Khi đó tôi vốn cũng có nghĩ tới việc này vì mục đích quảng bá (branding), nhưng lời khuyên đó càng thúc đẩy chúng tôi đăng ký bằng”.
Để dễ dàng tham vấn chuyên gia về chiến lược tài sản trí tuệ, công ty tìm luật sư tham vấn ở gần trụ sở tại Machida:
“Tôi có gặp vài người và cuối cùng đã mời Luật sư Aida Takayuki (Văn phòng luật Aida về bằng độc quyền và bảo vệ nhãn hiệu) tham vấn từ năm 2017. Ông là người hiểu rõ về công nghệ điện tử, nên khi tôi giải thích về công nghệ của Asilla bằng tài liệu khoảng 50 trang thì ông hiểu ngay lập tức. Chúng tôi tâm đầu ý hợp nên trao đổi dễ dàng. Ban đầu chúng tôi gặp gỡ thường xuyên và tôi đã học hỏi nhiều về tài sản trí tuệ cũng như quản lý thông tin. Hiện chúng tôi vẫn họp định kỳ hằng tháng”.
Ông Kimura cảm thấy việc đăng ký bằng độc quyền sáng chế đặc biệt hữu ích khi hợp tác với các công ty lớn.
“Việc có bằng sáng chế giúp đối tác yên tâm hơn. Chúng tôi thường xuyên nhận được câu hỏi rằng công nghệ của Asilla có điểm gì mạnh so với các công nghệ tương đương, và khi trả lời là chúng tôi có bằng sáng chế thì đối tác đều hài lòng”.
Không chỉ các công ty khởi nghiệp mà các công ty lớn cũng có xu hướng gia nhập lĩnh vực nhận diện hành vi, nên bằng độc quyền sáng chế giúp Asilla có lợi thế. Công ty cũng tích cực tận dụng các chương trình tăng tốc khởi nghiệp (accelerator programs). Công ty từng tham gia Fujitsu Accelerator (2017), Plug and Play Japan (2019), J-Startup của Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản, và Microsoft for Startups (2020). Ngoài ra, do trụ sở đặt tại Machida, sản phẩm của công ty cũng được sử dụng thử nghiệm tại đây. Asilla đang tiếp tục mở rộng hoạt động với trọng tâm là công nghệ AI.
Tài sản trí tuệ nhân tạo cũng giúp cho việc quảng bá (branding) nội bộ.
“Bằng độc quyền sáng chế là có một không hai, khiến nhân viên cảm thấy mình đang sáng tạo ra những thứ mà công ty khác không có. Đây là động lực rất lớn, nên các kỹ sư ở Việt Nam rất vui mừng mỗi khi nghe tin công ty có bằng sáng chế”.
Để thúc đẩy hoạt động phát minh, Asilla cũng tổ chức sự kiện sáng tạo trong công ty.
Ông Kimura cho biết: “Tại sự kiện này, các thành viên dự án, bán hàng, nghiên cứu, quản lý ở cả Nhật Bản và Việt Nam thi nhau đưa ra ý tưởng về AI. Luật sư Aida đánh giá các ý tưởng này và có thể nộp bằng đăng ký độc quyền”.
Ý tưởng được giải xuất sắc nhất có khả năng trở thành một phần kinh doanh của công ty. Trên thực tế, công nghệ nhận diện hành vi của Asilla hiện nay là ý tưởng được đưa ra trong sự kiện sáng tạo lần thứ nhất. Người thắng giải cũng không nhất thiết là kỹ sư – ví dụ, một nhân viên bán hàng đã đạt giải trong sự kiện tháng 1 năm 2020. Nhân viên rất thích thú khi thấy ý tưởng của mình trở thành hiện thực và được cấp bằng sáng chế.
“Các thành viên ở cơ sở Hà Nội đặc biệt yêu thích sự kiện này và luôn phấn đấu hết sức. Việc vừa vui chơi vừa đưa ra ý tưởng như vậy là điểm mạnh của công ty”.
Từ khi thành lập công ty, ông Kimura đã có mục tiêu là sử dụng AI để cứu sống con người. Năm 2017, ông công bố trên YouTube một video về ý tưởng dịch vụ chăm nom Mimabo, sử dụng công nghệ nhận diện hành vi. Ông cho rằng có thẻ sử dụng công nghệ này để phát hiện và ngăn chặn các sự cố như người ngã xuống đường ray hoặc trẻ sơ sinh ngủ sấp.
Ông cho biết: “Trong tương lai, dịch vụ nhận diện hành vi sẽ được sử dụng trong cả gia đình. Công ty của chúng tôi có thể sản xuất cảm biến sử dụng AI với giá thành rẻ. Tôi mong muốn đưa công nghệ ra sử dụng thực tiễn trong xã hội và ngăn các sự cố đáng tiếc xảy ra. Đó là mục tiêu chính của tôi khi thành lập công ty”.
Ông Kimura mong muốn công nghệ của Asilla được sử dụng phổ biến để hiện thực hoá một thế giới an toàn. Trong tương lai, Asilla đặt mục tiêu cung cấp tài nguyên và công nghệ về nhận diện hành vi cho các đối tác có ý tưởng phù hợp, từ đó xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh.
“Nhận diện hành vi là công nghệ cơ bản, có thể dẫn tới vô vàn ứng dụng khác nhau. Thay vì giữ công nghệ này cho riêng mình, chúng tôi muốn nhiều người sử dụng nó và cống hiến cho xã hội theo các cách khác nhau. Tôi hy vọng có thể cùng phát triển kinh doanh với các đối tác nhiệt huyết như vậy”.
Việc phát triển và đăng ký bằng sáng chế cho công nghệ mới mất nhiều tiền bạc và thời gian. Công ty cần cân nhắc chi phí để tính tới việc sử dụng công nghệ của các công ty khác, và dựa vào công nghệ đó để đăng ký bằng độc quyền mô hình kinh doanh.
Mục tiêu gần nhất của công ty là biến Anolla thành sản phẩm.
“Chúng tôi đã có trong tay Edge AI nên muốn tung ra thị trường trong năm nay. Công ty đặt mục tiêu niêm yết trên thị trường (IPO) vào năm 2022, từ đó củng cố lòng tin của đối tác cũng như tình hình tài chính để tiến tới mở rộng ra nước ngoài. Hiện chúng tôi mới đang thử nghiệm tại ASEAN, nhưng hy vọng có thể mở rộng sang cả các nước phương Tây. Công ty đang đăng ký bằng sáng chế quốc tế để biến ước mơ này thành hiện thực”.